Bé ung thư làm cảnh sát - Giúp em hay vì danh tiếng?

"Phải chăng 10 hay 100 tâm thư yêu cầu của trẻ em ung thư gửi đi đều được đáp ứng hết? Vậy việc chúng ta làm vì giúp các em hay vì danh tiếng?" - một bác sĩ chia sẻ quan điểm.

"Phải chăng 10 hay 100 tâm thư yêu cầu của trẻ em ung thư gửi đi đều được đáp ứng hết? Vậy việc chúng ta làm vì giúp các em hay vì danh tiếng?" - một bác sĩ chia sẻ quan điểm.

Tối 21/11, câu chuyện cậu bé Đỗ Tuấn Dũng được lãnh đạo Đà Nẵng hiện thực hóa ước mơ trở thành chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) trong lần sinh nhật thứ 11 được lan tỏa ​trên mạng xã hội.

Bé ung thư làm cảnh sát - Giúp em hay vì danh tiếng?
Dũng vừa đón sinh nhật lần thứ 11 đặc biệt. Dưới sự hỗ trợ của các cô chú công an,em có trọn vẹn một buổi làm chiến sĩ CSGT, dù sức khỏe rất yếu sau những lần hóa trị. Ảnh:Đoàn Nguyên.

Câu chuyện gây tranh cãi

Trong hàng nghìn ý kiến đưa ra, đa số đều nhận định, đây là việc làm ý nghĩa, nhân văn và cần được phát huy nhiều hơn.​ Một số thành viên đã không kìm được nước mắt trước số phận của cậu bé 11 tuổi, cùng việc làm cao cả từ người lớn.

Tuy nhiên, không ít ý kiến bày tỏ sự phản đối vì cho rằng, những người lãnh đạo đã quá ưu ái cho Tuấn Dũng, trong khi ngoài xã hội còn rất nhiều trường hợp bệnh nhi có hoàn cảnh đáng thương hơn nhiều.

Bé ung thư làm cảnh sát - Giúp em hay vì danh tiếng?
Các bình luận xúc động của độc giả Zing.vn trước câu chuyện này. Ảnh chụp màn hình.

Một bác sĩ tên H. - từng trực tiếp theo dõi và điều trị cho các bệnh nhi ung thư máu - cho biết, anh thật sự không thích điều này. Theo anh, căn bệnh ung thư như án tử treo của người bệnh. Mỗi ngày trôi qua, vui có, buồn có nhưng có một thứ không thể thiếu đó là sự đau đớn dày vò.

"Tôi biết họ có nhiều ước mơ, hy vọng và phần lớn đều còn ở độ tuổi rất trẻ. Tuy vậy, tôi không đồng tình với việc huy động cả một cơ quan nhà nước chỉ để làm những việc như vậy. Chúng ta có thể làm như thế cho bao nhiêu người?

Phải chăng 10-100 tâm thư yêu cầu của trẻ em ung thư gửi đi đều được đáp ứng? Không thì những người khác sẽ nghĩ gì? Nếu làm được hết, cơ quan sẽ như trò hề! Vậy việc chúng ta làm vì giúp các em hay vì danh tiếng?" - bác sĩ H. thẳng thắn đưa ra quan điểm cá nhân.

Đáp trả ý kiến trên, tài khoản M.T cho rằng, từ hành động cho một trường hợp điển hình, chúng ta có thể nhân rộng tinh thần yêu thương, bao dung, do đó không nên quá khắt khe.

"Các trường hợp khác họ nhìn vào sẽ cảm thấy vui lây. Tự bản thân họ hiểu rằng, không thể ai cũng được đáp ứng. Giả sử công an Đà Nẵng nhận được 1.000 tâm thư, họ cũng tự khắc chọn một trường hợp điển hình để đáp ứng nguyện vọng" - M.T chia sẻ.

Cũng theo M.T, việc bác sĩ H. phản pháo vấn đề huy động cả một cơ quan nhà nước chưa thật sự chính xác. "Mọi người trong xã hội đều mang trong mình chung một dòng máu, phải có tình đồng loại chứ anh. Hy vọng anh thay đổi quan điểm này để cuộc sống có thêm những điều kỳ diệu" - T. nói thêm.

Bé ung thư làm cảnh sát - Giúp em hay vì danh tiếng?
Tuấn Dũng được hướng dẫn kiểm tra giấy tờ người vi phạm giao thông. Ảnh: B. Vân.

Mọi việc đều có hai mặt

Trao đổi với Zing.vn, blogger Nguyễn Ngọc Long cho biết, mọi việc đều có hai mặt tốt xấu, được mất, tích cực và tiêu cực. Vì vậy, điều gì cũng chỉ mang tính tương đối, đòi hỏi sự tuyệt đối là không thể.

Theo anh, lý luận của bác sĩ H. có thể đặt vào mọi trường hợp và có kết luận tương tự. Ví dụ, khi chúng ta ăn được rau sạch nhưng thịt cá nhiễm độc, cơ thể sẽ bị huỷ hoại. Nếu mua được thực phẩm sạch mà chén bác rửa bằng hoá chất cấm thì cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Vợ chồng sống chung không thể mãi nói lời yêu thương, vì đôi lúc xảy ra mâu thuẫn, bất đồng quan điểm.

"Tôi thấy việc làm của công an Đà Nẵng không ảnh hưởng xấu hoặc tạo ra tác hại tiêu cực đến ai. Chúng ta đặt ra nguyên tắc và tự tay phá bỏ nguyên tắc đó là điều không đúng. Còn với công an Đà Nẵng, họ không tạo ra cái gì gọi là "vượt chuẩn".

Những gì họ thực hiện mang tính hình thức và ước lệ. Nếu có ảnh hưởng thì chỉ dừng lại ở mức độ cá nhân, hoặc cùng lắm là tập thể" - nam blogger chia sẻ.

Cũng theo anh Ngọc Long, đối với những trường hợp tương tự, công an Đà Nẵng có thể toàn quyền đưa quyết định "có" hay "không", dựa trên điều kiện thực tế khi ấy, không nhất định ai kêu cũng giúp, hay bỏ việc để đi thực hiện hóa hết ước mơ như bác sĩ H. lo ngại.​

Là đạo diễn các clip trải nghiệm xã hội nổi tiếng trên mạng - Kha Minh Vũ (sinh năm 1989) - bày tỏ, anh hoàn toàn đồng tình với việc làm của các chiến sĩ công an Đà Nẵng.

Trước ý kiến phản đối của bác sĩ H., anh nói: "Đó là suy nghĩ thiển cận. Theo tôi, hành động của người dân Đà Nẵng như hồi chuông cho mọi người biết tình người vẫn còn tồn tại.

Nếu vị bác sĩ này từng chữa trị bệnh nhân ung thư nhưng không cảm nhận được niềm hạnh phúc của các bé khi ước mơ thành sự thật như bé Dũng, thì đó còn là trò hề hơn".

Bé ung thư làm cảnh sát - Giúp em hay vì danh tiếng?
Dù bệnh tật, các bệnh nhi vẫn luôn ấp ủ nhiều ước mơ, hoài bão. Ảnh: Vũ Giang.

Cuộc sống vẫn cần có những câu chuyện cổ tích

Trước đó, cộng đồng mạng từng xót xa trước sự ra đi của nhiều bạn trẻ mắc bệnh ung thư như "đóa hoa yêu múa" Võ Thị Ngọc Nữ (sinh năm 1988, Đà Nẵng). Nữ DJ Nguyễn Thị Huỳnh Hương cũng qua đời khi vừa tròn 19 tuổi, với bao dự định dang dở.

Sự ra đi của họ để lại nhiều tiếc thương cho người thân, bạn bè... Nhưng qua mỗi câu chuyện, người ở lại có thêm bài học về cuộc sống, biết yêu thương, chia sẻ, trân trọng những gì mình đang có.

Chị Nguyễn Như Mỹ (29 tuổi, ngụ quận 6, TP HCM) có con trai 5 tuổi bị ung thư bạch cầu, đang chữa trị tại bệnh viện Ung Bướu TP HCM.

Chị Mỹ cho biết, con chị từng mong muốn trở thành ca sĩ, hứa sẽ cố gắng học giỏi để thực hiện ước mơ. Biết đến câu chuyện của cậu bé Đỗ Tuấn Dũng ở Đà Nẵng qua báo đài, chị Mỹ tỏ ra rất đồng cảm và khâm phục các cơ quan chức năng.

"Qua những việc làm biểu trưng như vậy, chúng tôi có thêm động lực để cùng người thân vượt qua bệnh tật. Từ đó thấy rằng, nhà nước luôn quan tâm, chăm lo đến dân và những hoàn cảnh khó khăn" - chị Mỹ bày tỏ.

Trao đổi với Zing.vn, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Trưởng khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP HCM - cho hay, trẻ em có nhiều ước mơ rất bay bổng. Khi rơi hoàn cảnh cấp bách, ước mơ đó có thể cháy bỏng và đầy khát khao hơn.

Theo ông, cuộc sống có nhiều hành động thực tiễn đúng chức năng và vai trò, nhưng vẫn cần chút bay bổng và có tính cổ tích.

"Đừng vội vã phán xét chúng dưới góc chức năng, hành vi và nhiệm vụ. Đừng quên truyện cổ tích cũng chỉ là cổ tích và cần làm quen với nhiều thể loại khác để con người trưởng thành. Thế nhưng, nếu không có việc làm nhân văn, cuộc sống sẽ dễ trở nên vô cảm, thiếu tình người" - PGS. TS Sơn nhấn mạnh.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.