10 bí quyết nuôi dạy con của "người đẹp thời tiết" Đan Lê

Người đẹp thời tiết chia sẻ những nguyên tắc của mình để “trị” hai quý tử những khi nhõng nhẽo đòi hỏi.

Người đẹp thời tiết chia sẻ những nguyên tắc của mình để “trị” hai quý tử những khi nhõng nhẽo đòi hỏi.

Người đẹp thời tiết Đan Lê kết hôn với đạo diễn Khải Anh vào năm 2011 và hạ sinh cậu con trai đầu lòng cũng vào năm này, bé được đặt tên là Khải Minh. Đầu tháng 6/2014, tổ ấm của Đan Lê – Khải Anh một lần nữa hạnh phúc đón chào sự ra đời của cậu quý tử thứ hai.

Từ sau khi lập gia đình và có hai con nhỏ, Đan Lê hầu như lui hẳn về hậu trường. Cô không còn xuất hiện trong vai trò diễn viên hay MC truyền hình như trước kia nữa mà chỉ tập trung vào công việc kinh doanh và chăm sóc gia đình nhỏ. Thỉnh thoảng, Đan Lê mới có mặt trong một vài sự kiện của làng giải trí. Dù là người khá kín tiếng, ít khi chia sẻ về chuyện gia đình, con cái nhưng Đan Lê vẫn được tiếng là một bà mẹ rất khéo chăm con.

Chia sẻ về tính cách của hai cậu quý tử, Đan Lê cho biết hai con trai của cô hoàn toàn khác nhau về tính cách. Nếu như Khải Minh rất tình cảm, biết lắng nghe thì em trai, bé Khải Nguyên lại khá cá tính, mạnh mẽ ngay từ lúc lọt lòng. Chính vì vậy mà 6 tháng đầu sau sinh, Đan Lê cho biết cô khá căng thẳng, vì hầu hết các biện pháp giáo dục sớm mà bà mẹ trẻ từng áp dụng với anh lớn gần như không thích ứng với bạn bé, thậm chí cô đã từng có lúc ức chế vì con không làm theo mong muốn của mẹ và thường xuyên khóc lóc dai dẳng.

Sau một thời gian tìm hiểu những tài liệu khoa học, những cuốn sách hay về tâm lý và cách tiếp cận trẻ, dần dần Đan Lê mới lấy lại được bình tĩnh, biết đón nhận thoải mái hơn tất cả những ưu nhược điểm của con và rút ra cho mình những kinh nghiệm để “con vui mẹ nhàn”.

Đan Lê: Từng bị nhìn vì bình thản để con khóc ở siêu thị - 1

6 tháng đầu sau sinh, Đan Lê cho biết cô khá căng thẳng, vì hầu hết các biện pháp giáo dục sớm mà bà mẹ trẻ từng áp dụng với anh lớn gần như không thích ứng với bạn bé

Người đẹp 2 con “bật mí” 10 nguyên tắc nuôi dạy 2 cậu quý tử của mình

1, Kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn

Không  có cách nào khác, đằng nào những đứa trẻ cũng cần chúng ta bên cạnh, kiên nhẫn ngay từ đầu để định hình thói quen, tập tính tốt, đừng để trẻ hình thành thói quen xấu rồi mới lo sửa. Có thể chúng ta không thành công ngay nhưng "Thua keo này ta bày keo khác". Bao giờ sự kiên nhẫn của bạn "chiến thắng", lúc ấy bạn sẽ hình thành được thói quen tốt cho trẻ.

2, Tự giải toả tâm lý

Không so sánh con mình với con người khác chính là cách để người mẹ bình tâm và không đòi hỏi con mình một cách thái quá. Xét cho cùng lũ trẻ cũng như chúng ta thôi, đều có những ưu nhược điểm (đến chúng ta còn đầy khuyết điểm ra ấy). Hãy là người hướng dẫn, để lũ trẻ có cơ hội hoàn thiện chứ con cái không phải công cụ để thực hiện ước mơ của chính chúng ta.

3, Để trẻ tự trải nghiệm

Trẻ luôn tò mò khám phá và muốn "thử sức" cùng mọi thứ xung quanh: cánh cửa, cầu thang, ngăn kéo, độ cao, bàn là, lò sưởi, quạt máy... Với những nguy hiểm, mình chủ động để trẻ tiếp cận trong sự giám sát, trẻ sẽ nhanh chóng nhận ra và tự rút kinh nghiệm nếu chúng trải nghiệm và thấy bị "thiệt hại".

VD: với bàn là, lò sưởi, mình kiểm tra độ nóng, độ nóng cần không khiến bé bị thương nhưng đủ để bé sợ và cho bé chạm thử nếu bé muốn (bạn phải "đo" được đứa trẻ của bạn bạo dạn đến đâu để làm 1 lần là chính xác ngay). Trước đó hãy cảnh báo còn sau đó hãy giải thích cụ thể để bé hiểu. Cánh cửa và ngăn kéo cũng vậy, hãy chủ động "kẹp" tay bé lại nếu bé nghịch ngợm và giải thích cho bé biết những vật dụng này có thể khiến bé bị đau hơn rất nhiều.

Chúng ta không thể kèn kẹt bên trẻ 24/24 nên không gì bằng để trẻ tự giác và tự nhận thức được nguy hiểm.

4, Mềm mỏng nhưng thật nghiêm khắc

Có những nguyên tắc mà mẹ phải nhất quán, giữ vững lập trường một cách sắt đá, không để cho những khóc lóc, mè nheo của lũ trẻ khiến bạn mềm lòng. Nhiều lần mình phải chấp nhận để con khóc lóc, nôn chớ vì những màn ăn vạ bất tử (dù rằng vất hơn rất nhiều so với việc cho chúng thứ chúng đòi như: 1 cái kẹo trước khi đi ngủ hay cái điện thoại để chơi game), con khóc dai dẳng, nhức đầu, chớ ra lại phải cho con ăn lại vào lúc khác, kinh khủng nhất là dọn dẹp "bãi chiến trường" mà chúng gây ra.

Hay có lần mình cùng con ngồi lì ở siêu thị, mọi người đi qua cứ nhìn mình chằm chằm vì thằng bé khóc giãy đành đạch đòi mua đồ chơi nhưng mẹ chỉ ngồi cạnh bình thản nói chuyện chứ nhất quyết không mua. Vài lần như vậy đứa trẻ sẽ hiểu những "doạ nạt" của chúng không hiệu quả và sẽ không làm nữa.

Đan Lê: Từng bị nhìn vì bình thản để con khóc ở siêu thị - 2
Đan Lê cho biết cô từng bị mọi người nhìn khi mặc kệ con khóc giãy ở siêu thị

5, Đánh lạc hướng

Khi bé khóc lóc nhằng nhẵng, hãy nói một cách vui vẻ nhưng hơi lớn tiếng 1 chút hoặc gây ra tiếng động để thu hút sự chú ý của trẻ (nhất quyết không thoả hiệp, mua chuộc bé bằng những thứ bé thích như: kẹo bánh, đồ chơi, đi chơi). Mình hay đánh lạc hướng khi trẻ "lấy hơi" giữa những cơn khóc: với bạn lớn thì là hít sâu thở đều để bạn ý làm theo, còn bạn nhỏ thì là đếm ngón tay, mình làm từ khi các bạn ý còn rất bé (nhiều lúc nhàm chán luôn), có lẽ giờ thành phản xạ có điều kiện rồi nên dù đã lớn, nhưng mỗi lần làm thế các bạn ý cũng bình tĩnh hơn.

6, Tập những thói quen tốt và loại bỏ hành vi không tích cực

Tự lập những việc cá nhân (đừng lúc nào cũng cho rằng con còn quá bé bỏng hoặc làm hộ trẻ chỉ vì như thế sẽ đỡ mất thời gian hơn, nhanh lúc đấy thôi nhưng sẽ chậm rất rất lâu); tự chịu trách nhiệm với những hành động, quyết định của mình (không "đánh chừa", không đổ tại để dỗ dành bé nín khóc)... Mình thấy nhiều người khi vui hay cho trẻ đánh vào mặt, vào người, hoặc mắng yêu "Thằng này gấu lắm/ Con bé này ghê gớm lắm" (ngầm sung sướng kiểu như con, cháu mình hơn người, không bị bắt nạt) nhưng khi đang sẵn bực bội thì lại mắng mỏ nếu trẻ làm vậy. Không nên tán dương, cổ xuý những hành động này trong bất cứ trường hợp nào, theo mình sự ương ngạnh phát triển từ chính những hành vi nhỏ như thế này.

7, Hình phạt không bằng đòn vọt

Bạn có thể phạt trẻ bằng cách ngồi ở 1 chỗ cố định để trẻ bình tâm trở lại (nhà mình có một bức tường được gọi là "góc khóc" khi các bạn ấy khóc vì những lý do không chính đáng, các bạn ấy sẽ được hỏi "Con có muốn ra ngồi ở góc khóc không?". Lúc ấy, 1 là các bạn ấy sẽ nín để không phải ra đó ngồi, 2 là tự động ra đó khóc 1 lúc chán sẽ nín). Có thể phạt trẻ bằng cách tạm thời không đáp ứng 1 vài thứ mà trẻ thích (kẹo bánh, nước cam, đồ chơi, trò chơi yêu thích) nhưng hãy cố gắng để đừng phải dùng đến roi khi phạt trẻ. Bạn hãy để ý nhé, có những đứa trẻ chỉ cần bố mẹ nói lấy roi đã sợ nhưng có những đứa trẻ bị đánh tơi bời vẫn lì ra. Mình nghĩ, sự chịu đựng đau đớn có thể "rèn luyện" hay nói cách khác, đứa trẻ sẽ "nhờn đòn" nếu chỉ biết roi vọt là câu trả lời.

8, "Nói ngọt lọt đến xương"

Điều này đúng hoàn toàn với con trẻ. Hãy động viên, khen thưởng đúng lúc, đúng chỗ. Bạn hãy thử xem, những tiếng vỗ tay, những câu: cố lên, giỏi quá, đúng rồi, siêu thế... có hiệu quả hơn rất rất nhiều so với: mày sao thế, hư quá, ai bảo mày làm thế...

9, Hãy cho đi yêu thương và yêu cầu được nhận lại

Mặc dù chúng ta yêu lũ trẻ vô điều kiện nhưng không phải ai cũng thế. Vì vậy hãy yêu cầu trẻ đáp lại tình yêu của chúng ta, đừng để trẻ coi sự chăm sóc, yêu thương của mọi người là đương nhiên. Biết đền đáp, biết ơn tình yêu mà người khác dành cho mình chính là cách tốt nhất để sống có trách nhiệm.

10, Con vẫn là đứa trẻ

Cho dù bé có cá tính đến đâu, tinh quái đến đâu chúng vẫn chỉ là những đứa trẻ, tất cả những ngang ngược, khó bảo dẫu "trời sinh" thì cũng phải do chúng ta tác động mới có cơ hội duy trì, phát triển. Dạy con cũng hơi giống dùng thuốc các mẹ nhỉ! Nếu ngăn chặn sớm sẽ không phát bệnh nặng, dùng "đúng loại", "đủ liều" mới trị được bệnh. Và nếu cứ tuỳ tiện xử lý, mới cần siro ho mà đã cho kháng sinh liều cao thì chắc chắn sẽ có ngày nhờn thuốc thôi.

Theo Khám Phá


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.