Tôi bị mọi người coi thường vì lấy chồng “Tây”

Khi nỗi đau vì cuộc hôn nhân đổ vỡ, tôi lại phải đối mặt với những ánh mắt coi thường, rẻ rúng của những người xung quanh. Trong con mắt họ, tôi không khác gì một cô gái “làm tiền”. Khi đã “vắt” kiệt túi tiền của anh “Tây” rồi thì đá anh ta một cách không thương tiếc.

Khi nỗi đau vì cuộc hôn nhân đổ vỡ, tôi lại phải đối mặt với những ánh mắt coi thường, rẻ rúng của những người xung quanh. Trong con mắt họ, tôi không khác gì một cô gái “làm tiền”. Khi đã “vắt” kiệt túi tiền của anh “Tây” rồi thì đá anh ta một cách không thương tiếc.

Ban đầu, tôi bỏ ngoài tai tất cả những lời bàn tán , dè bỉu của những người xung quanh để cố vượt qua nỗi đau mà sống. Nhưng càng ngày, những câu nói ác ý, những soi mói thái quá về đời sống riêng tư của những người xung quanh càng khiến tôi đau đớn đến cùng cực.

Ảnh minh hoạ

Sau khi tốt nghiệp trường đại học ngoại thương, tôi được nhận vào làm trợ lý cho một công ty liên doanh với nước ngoài. Vị giám đốc người Bỉ của công ty là một chàng trai trẻ trung, thông minh và lịch duyệt. Ngoài công việc, chúng tôi rất hợp nhau về gu thẩm mĩ, ẩm thực và giải trí. Anh rất thích văn hóa của người Việt và muốn học tiếng Việt. Thế là, tôi trở thành “cô giáo” của anh sau những giờ làm việc căng thẳng. Tôi thường kể anh nghe về những vùng đất, những phong tục tập quán của người Việt. Chúng tôi thường tổ chức những chuyến du lịch vào những dịp cuối tuần để đến những vùng đất, những địa danh nổi tiếng của đất nước.

Tình yêu đến với tôi một cách tự nhiên và vô tư bởi chúng tôi hòa hợp cả về thể xác lẫn tâm hồn. Thế rồi, chúng tôi tổ chức đám cưới sau hơn một năm quen và yêu nhau.

Cứ ngỡ cuộc sống hôn nhân sẽ rất hạnh phúc nhưng chỉ một thời gian ngắn, tôi thấy mình không thể tiếp tục duy trì cuộc hôn nhân này nữa. Những khác biệt về văn hóa cũng là một rào cản để chúng tôi đến với nhau. Thêm vào đó, sau khi kết hôn, cả hai nhận ra rằng mình chưa hiểu hết về nửa bên kia của mình. Sau một thời gian ngắn, chúng tôi quyết định chia tay trong sự tôn trọng lẫn nhau.

Tuy nhiên, tôi không ngờ, lúc gia đình tôi đổ vỡ cũng là lúc những lời nói ác ý có dịp bùng phát. Những người hàng xóm cho rằng tôi vì ham tiền nên đã đồng ý kết hôn với anh và khi đã vét cạn túi của anh thì “trở mặt” bỏ anh. Họ cho rằng tôi là kẻ sống không có tình người, chỉ nghĩ đến tiền. Thậm chí, vài người bên cạnh nhà còn đem cuộc hôn nhân đổ vỡ của tôi ra làm trò đùa. Thực ra, tôi không lấy tiền của anh, cũng không lợi dụng anh bất cứ điều gì. Tất cả chuyện tôi đến với anh rồi chia tay chỉ là do duyên số. Vì vậy, những lời đồn đoán kia hoàn toàn không đúng với tôi.

Dù đã cố gắng loại bỏ những lời nói, những ánh mắt ác ý của hàng xóm và một vài đồng nghiệp nhưng nó vẫn cứ đeo bám tôi. Nó khiến tôi bị stress nặng. Tôi không còn tâm trí để làm việc, thậm chí, tôi đã nghĩ đến chuyện sẽ trốn đến một nơi rất xa để lẩn tránh những ánh mắt khinh rẻ của người đời. Bởi nếu cứ kéo dài tình trạng này, chắc tôi sẽ không còn đủ sức khỏe và sự kiên nhẫn để chịu đựng nữa.

Chẳng lẽ, tất cả những người lấy chồng “Tây” đều là vì ham tiền? Chẳng lẽ họ đều không biết yêu ai khác ngoài tiền hay sao? Đến bao giờ tôi mới có thể thoát khỏi những định kiến hẹp hòi và ấu trĩ của những người sống quanh mình?


Bạn thân mến

Hôn nhân tự nguyện là một nguyên tắc được qui định trong pháp luật Việt Nam. Phụ nữ và nam giới đều có quyền đuợc lựa chọn người bạn đời của mình, và vì vậy, việc lấy chồng ngoại quốc cũng là sự lựa chọn hạnh phúc của nhiều phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, do những quan niệm, định kiến khắt khe của xã hội mà không ít chị em phải chịu những áp lực từ dư luận khi yêu và lấy người nước ngoài nhất là khi kết cục của cuộc hôn nhân đó lại không tốt đẹp.

Với cái nhìn đầy định kiến, không ít người có suy nghĩ rằng những người phụ nữ Việt lấy chồng Tây vì ham giàu sang, muốn đổi đời và vì vậy khi hôn nhân trục trặc, các cô gái Việt thường phải chịu sự lên án, chê trách và phán xét không thương xót của những người xung quanh. Trên thực tế, đâu phải lý do dẫn đến những trục trặc trong hôn nhân là do người phụ nữ. Đây là cách nhìn nhận thiếu công bằng với phụ nữ khi đã bỏ qua vai trò của người chồng trong cuộc hôn nhân đó. Thêm nữa việc một phụ nữ lấy chồng Tây hay chồng Việt cũng không phải là yếu tố đánh giá sự bền vững của hôn nhân được. Bởi khi đã kết hôn thì dù là chồng Tây hay chồng Việt đều có thể nảy sinh những mâu thuẫn, khúc mắc dẫn đến đổ vỡ hôn nhân.

Bạn đã cưới người chồng nước ngoài trên cơ sở tìm hiểu, yêu đương trước hôn nhân. Đó là sự thật không ai có thể phủ nhận được. Việc bạn và anh ấy chia tay cũng chỉ là do xuất phát từ những khác biệt về văn hoá và do hai bên chưa thật sự hiểu nhau. Đây là việc mà cả bạn và anh ấy đều không ai mong muốn. Tuy nhiên điều may mắn nhất là hai bạn đã chia tay một cách nhẹ nhàng, êm đẹp trong sự tôn trọng của cả hai. Đó là điều mà không phải cặp đôi nào khi chia tay cũng làm được bạn ạ.

Để vượt qua những đàm tiếu, dị nghị hiện tại, rất cần ở bạn sự mạnh mẽ, bản lĩnh sống vững vàng. Bởi nếu bạn suy sụp, gục ngã thì những người đưa ra những tin đồn ác ý kia càng tự đắc vì họ đã đánh trúng điểm yếu của bạn. Việc bỏ trốn đi nơi khác sống cũng không phải là hành động tích cực giúp bạn vượt qua dư luận bởi bạn không thể chạy trốn cả cuộc đời. Hãy ngẩng cao đầu, mỉm cười và suy nghĩ tích cực về tất cả những điều đó. Chỉ khi nào bạn thật sự tự tin và hạnh phúc với chính bản thân mình thì những lời đồn ác ý kia sẽ bị vô hiệu. Với những ai có thái độ, lời nói trực tiếp xúc phạm đến bạn, bạn cũng cần phải thẳng thắn, mạnh mẽ yêu cầu họ chấm dứt những hành động đó. Để có thêm niềm tin và sức mạnh trong cuộc sống, bạn hãy tìm tới những người bạn tốt hay người thân trong gia đình chia sẻ, tâm sự. Chúc bạn có đủ sức mạnh và nghị lực để vượt qua thử thách hiện tại. Thân mến.
 

Võ Thanh Giang ( Csaga)
 
 


Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ thế nào về việc các cô gái Việt lấy chồng nước ngoài ?


Bình luận