Gần 2 triệu "mua" một chỗ xem pháo hoa đêm Giao thừa

Để có được những vị trí đắc địa xem pháo hoa trong đêm Giao thừa tại Sài Gòn, người dân phải bỏ ra từ 300.000 đồng đến 2 triệu/chỗ.

 Để có được những vị trí đắc địa xem pháo hoa trong đêm Giao thừa tại Sài Gòn, người dân phải bỏ ra từ 300.000 đồng đến 2 triệu/chỗ.

Nhiều nhà hàng, quán cà phê gần tòa nhà Bitexco (quận 1) đã được khách hàng đặt kín chỗ từ cách đây hơn 1 tuần để xem pháo hoa. Những vị trí càng ở trên cao gần chỗ bắn pháo hoa lại càng đắt tiền. Như tại Saigon Skydeck, đài quan sát ở độ cao 180m trên tầng 49 tòa nhà Bitexco Financial Tower TP. HCM (P. Bến Nghé, Q.1), vé xem bắn pháo hoa đêm giao thừa với giá 400.000 đồng/vé người lớn. Trẻ em cao dưới 1,3m giá thấp hơn là 300.000 đồng một vé.

Đài quan sát Saigon Skydeck có sức chứa khoảng 500 khách nhưng chỉ bán 300 vé, khách hàng mua vé chủ yếu là nhóm bạn trẻ và hộ gia đình. Nhân viên ở đây cho viết, vé đã được bán hết trước giao thừa cả một tuần.
 

Để có chỗ đẹp xem bắn pháo hoa, giá lên đến cả 2 triệu đồng: Ảnh minh họa

 
Theo tìm hiểu, ở các tầng cao hơn cùng tòa nhà Bitexco, các nhà hàng, quán bar cao cấp ở tầng 50,51,52 giá vé còn cao hơn. Vé ngắm pháo hoa cùng với gói thư giãn, ăn nhẹ và thức uống dao động từ 1 triệu đến 2 triệu đồng.

Tại một nhà hàng sân thượng tầng 32 của tòa nhà Saigon Trade Center trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1), cách vị trí bắn pháo hoa hơn 1 km, giá tiệc buffet vừa ăn uống vừa ngắm pháo hoa đêm giao thừa là 1 triệu đồng/người.

Theo quản lý nhà hàng này, dù giá cao nhưng khách đã đặt kín chỗ từ cách đây 1 tuần. Cụ thể, đã có gần 700 phiếu ăn, uống và ngắm pháo hoa tại nhà hàng này đã được bán hết.

Các nhà hàng nổi ở bến Bạch Đằng (Q.1), quán ăn dọc đường Tôn Đức Thắng, phía quận 2… cũng tranh thủ “hốt bạc” nhờ pháo hoa. Theo đó,  giá vé dao động từ vài trăm ngàn đến 1,5 triệu đồng bao gồm nước uống và đồ ăn nhẹ.
 

 

Các nhà hàng nổi ở bến Bạch Đằng bán chỗ đẹp xem pháo hoa


Một nhà hàng nổi trên đường Nguyễn Tất Thành (Q.4) để bảng phục vụ xem pháo hoa đón giao thừa với giá 1.680.000 đồng/vé. Đối với trẻ em từ 0,8-1,3m giảm 50%. Bảng quảng cáo cho biết, quý khách sẽ được phục vụ súp báo ngư vi cá, thịt cua, sò điệp tiêu xanh… và trái cây theo mùa.

Ngoài những vị trí xem pháo hoa trên các cao ốc, nhà hàng, quán cà phê, người dân hoàn toàn có thể tìm thấy những nơi ngoài trời miễn phí thích hợp.  Do pháo được đặt ở vị trí cao nhất của thành phố nên người dân có thể đứng ở nhiều nơi để quan sát như dọc đường Tôn Đức Thắng, bến Bạch Đằng, đường hoa Nguyễn Huệ (Q.1), cầu Thủ Thiêm, đại lộ Mai Chí Thọ (Q.2), cầu Khánh Hội (Q.4).

Để phục vụ người dân vui Tết Nguyên đán 2016, UBND TP HCM quyết định bắn pháo hoa nghệ thuật tại 4 điểm, trong đó có 1 điểm tầm cao đêm 8/2. Điểm bắn tầm cao ở đầu hầm vượt sông Sài Gòn (quận 2), còn 3 điểm tầm thấp ở Công viên văn hóa Đầm Sen, khu Truyền thống Cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (huyện Củ Chi) và sân bóng đá huyện Cần Giờ.

Thời gian bắn pháo hoa từ 0h đến 0h15 trong đêm giao thừa và sẽ cấm người dân lên các cây cầu tại khu vực trung tâm TP như cầu Mống, Khánh Hội, Calmeette để đảm bảo an toàn.

TP HCM cũng công bố 8 điểm giữ xe tại trung tâm TP để phục vụ người dân du xuân đường hoa Nguyễn Huệ và xem pháo hoa. Đó là vỉa hè các đường Pasteur (2 điểm), vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng, vỉa hè đường Lê Thánh Tôn và Pasteur (2 điểm), lề đường Hàm Nghi, Công trường Quách Thị Trang và công viên cảng Bạch Đằng.

Theo Trí Thức Trẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.