Gần 77% nhân viên y tế đối mặt với stress trong đại dịch Covid-19

Nghiên cứu đươc thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho thấy, sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế chịu tác động rất lớn bởi đại dịch Covid-19.

Cụ thể, nghiên cứu được thực hiện trên 210 người (từ tháng 1-3/2022) là nhân viên y tế bị Covid-19 cho thấy, 76,7% nhân viên y tế tham gia nghiên cứu bị stress, trong đó 34,3% căng thẳng ở mức độ nhẹ; 34,8% căng thẳng mức độ vừa; 7,6% căng thẳng ở mức độ nặng.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị khoa học Điều dưỡng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 năm 2022, diễn ra ngày 18/8 tại Hà Nội.

Gần 77% nhân viên y tế đối mặt với stress trong đại dịch Covid-19-1
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong đại dịch (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Nghiên cứu cho thấy, sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chịu tác động rất lớn bởi đại dịch Covid-19, đặc biệt là nhóm điều dưỡng và bác sĩ điều trị.

Nghiên cứu này cũng tương đồng với một nghiên cứu khác của Nguyễn Phúc Thành Nhân và cộng sự (2020) và Vũ Thị Cúc cùng cộng sự (2021) về tình trạng căng thẳng của nhân viên y tế tại một số bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng và TPHCM. Theo đó, 40% nhân viên y tế bị căng thẳng ở mức độ nặng và rất nặng.

Theo các tác giả, sự khác biệt về mức độ căng thẳng của nhân viên y tế giữa các nghiên cứu có thể do thời điểm tiến hành khảo sát, quy mô đại dịch tại từng địa phương, quốc gia. 

Các yếu tố nghề nghiệp liên quan có ý nghĩa thống kê đến mức độ stress của nhân viên y tế gồm số giờ làm việc trung bình/ngày và các áp lực họ đã trải qua trong thời gian tham gia chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19, hoặc bản thân mắc Covid-19, như áp lực về thời gian hoàn thành công việc, áp lực từ cấp trên, chứng kiến bệnh nhân nặng, tử vong do Covid-19.

Theo GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đây là một trong 30 báo cáo khoa học có giá trị khoa học cao đến từ các bệnh viện, trường đại học y dược trong và ngoài quân đội được trình bày tại Hội nghị khoa học Điều dưỡng.

Theo GS Bàng, điều dưỡng là một nghề chuyên biệt, điều dưỡng viên không chỉ là người thực hiện theo các y lệnh của bác sĩ mà họ chính là người trực tiếp chăm lo, phục vụ mọi nhu cầu của người bệnh từ các kỹ thuật nghiệp vụ cho đến chăm sóc tinh thần, nắm bắt tâm lý người bệnh, đặt mình vào vị trí người bệnh.

Gần 77% nhân viên y tế đối mặt với stress trong đại dịch Covid-19-2
Điều dưỡng viên là mắt xích quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe, thực hiện y lệnh của bác sĩ, chăm sóc người bệnh.

Có thể nói, thái độ, sự chuyên tâm và tận tụy của chính những người điều dưỡng có ảnh hưởng lớn tới chất lượng của một cơ sở y tế. Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định: "Điều dưỡng là một mắt xích quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe".

Tại Việt Nam, đội ngũ điều dưỡng chiếm khoảng 50-70% nguồn nhân lực y tế, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc người bệnh và phối hợp với bác sĩ trong điều trị người bệnh. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy tại các cơ sở y tế đang thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng rất lớn. Tỷ lệ điều dưỡng trung bình trên 10.000 dân nước ta hiện nay là 11,4 - thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình trên thế giới. Theo trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, nếu không tăng cường đầu tư cho đào tạo Điều dưỡng, đến năm 2030, ngành y tế Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 40 - 50 nghìn nhân lực điều dưỡng.  

Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hiện có gần 1800 điều dưỡng, kỹ thuật viên, có 50 điều dưỡng có trình độ trên đại học, hơn 90% có trình độ đại học và cao đẳng được tuyển chọn từ các trường đào tạo điều dưỡng chất lượng cao. 

Thời gian qua, Bệnh viện đã thiết lập hệ thống tổ chức điều dưỡng chặt chẽ, thường xuyên tổ chức các lớp nâng cao năng lực chuyên môn, ngoại ngữ cho các điều dưỡng tại bệnh viện, bệnh viện khác trong cả nước, thậm chí ở nước ngoài.

Đội ngũ điều dưỡng cũng tích cực tham gia vào thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trong nước và một số đề tài hợp tác quốc tế có tính thực tiễn cao và áp dụng có hiệu quả.

Để phát huy hơn nữa vai trò của điều dưỡng, theo lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các điều dưỡng cần tăng cường tính chủ động, chú trọng thực hiện các chăm sóc cơ bản như vệ sinh, dinh dưỡng, vận động, hướng dẫn giáo dục sức khỏe cho người bệnh; tăng cường ý thức tự học nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, tự cập nhật các kiến thức mới. Hiện các điều dưỡng viên tham gia nghiên cứu khoa học còn chưa tích cực, năng lực nghiên cứu còn hạn chế. Một số nghiên cứu tham gia chỉ mang tính chất hoàn thành chỉ tiêu, không có tính ứng dụng trong thực tế chăm sóc.

Theo Dân trí


Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.