Bó rau 500 đồng và văn hóa của một nền bóng đá

Văn hóa của nền bóng đá Việt Nam đang bị đặt dấu hỏi lớn sau khi hai HLV Phạm Minh Đức và Nguyễn Quốc Tuấn công khai chỉ trích nhau tại giải U21 quốc tế.

Văn hóa của nền bóng đá Việt Nam đang bị đặt dấu hỏi lớn sau khi hai HLV Phạm Minh Đức và Nguyễn Quốc Tuấn công khai chỉ trích nhau tại giải U21 quốc tế.

Các HLV chỉ trích, phê phán nhau, dù không thường xuyên nhưng cũng không phải là chuyện hiếm trên thế giới. Nhưng “móc máy” đến mức lôi cả chuyện quá khứ ra để giễu như cách hành xử của 2 ông HLV U21 ở TP.HCM hôm qua, quả thực là đáng lo ngại cho văn hóa của bóng đá nước nhà.

Thiên hạ đúc rút thế này, muốn biết bản chất một con người thế nào, hãy xem cách anh ta chơi thể thao. Bóng đá là một môn thể thao “bóc tách” rõ nhất tính cách của một con người. Thông minh, tinh tế, hy sinh, vị tha hay kém cỏi, thô kệch, tham lam, cố chấp…, tất thảy đều bộc lộ xung quanh trái bóng.

HLV Nguyễn Quốc Tuấn và Phạm Minh Đức đều là cầu thủ chuyên nghiệp, thậm chí còn là đồng đội của nhau trong giai đoạn thịnh vượng nhất của HAGL. Nhưng khi trở thành thuyền trưởng ở hai bên chiến tuyến, sự đối đầu của họ bỗng bị đẩy lên thành thù địch.​​

HLV Nguyễn Quốc Tuấn của U21 HAGL (phải) là người khơi mào cuộc chiến với đồng nghiệp và cũng là đồng đội cũ Phạm Minh Đức. Ảnh: Đăng Văn.

Sự thù địch ấy được châm ngòi từ cuộc chiến tâm lý trước trận bán kết U21 Việt Nam – U21 HAGL, khi ông Đức chê quân ông Tuấn kém, chỉ biết đá tấn công và không có bài gì đối phó nếu bị “đọc vị”. Thực tế ở trên sân, quân ông Tuấn thắng trước rồi thua ngược, và ông chỉ “từ cõi chết trở về” nhờ phút xuất thần của Công Phượng.

Ông Tuấn đã mượn đà chiến thắng của U21 HAGL và mượn buổi họp báo không có mặt ông Đức để biến thành sân khấu “độc diễn” với tiết mục hạ thấp đối phương. Không chỉ chê ông Đức cầm quân kém, ông Tuấn còn lôi chuyện cũ ra để giễu cợt, mà điển hình là ví von ông Đức như bó rau 500 đồng ngoài chợ.​

Đến đây thì phải nói một chút về xuất xứ của “điển tích” này. Hồi ông Đức còn là cầu thủ của Hàng không Việt Nam, ông muốn rời thủ đô để vào đá cho HAGL, lúc này đang là thế lực mới nổi. Giám đốc Sở TDTT Hà Nội bấy giờ là ông Hoàng Vĩnh Giang bảo: “Nó đã muốn đi thì cho nó đi, tiền chuyển nhượng chỉ lấy 500 đồng tượng trưng”.

Chuyện rất cũ, đã 13 năm rồi, và nó cũng không phản ánh được tất cả khía cạnh về một con người. Đó là cái thời mà giá trị cầu thủ chưa cao như bây giờ, tư duy chuyển nhượng cũng không thoáng như bây giờ và các Giám đốc Sở thì nắm trong tay quyền sinh quyền sát, coi cầu thủ như mớ rau, con cá.

“Sát ván” đối thủ bằng một chi tiết “đắt giá” như vậy, ông Tuấn có vẻ hả hê và trút được gánh nặng ức chế âm ỉ bấy lâu nay. Nhưng ông không biết rằng ngay trong phòng họp báo, nhiều người đã phải… trố mắt ngạc nhiên vì sao ông lại dành cho đồng nghiệp của mình những lời công kích cay nghiệt đến thế.


HLV Phạm Minh Đức từng xem nhẹ lối chơi của U21 HAGL. Ảnh: Đăng Văn.

Những phát ngôn của ông Tuấn, vô hình trung, trở nên phản tác dụng. Nó làm lệch lạc hẳn hình ảnh của ông, một đầu tàu hứa hẹn mang U21 HAGL đến giải với lối chơi cống hiến, vô tư. Và nó cũng biến ông thành một kẻ đắc thắng với cách ứng xử tầm thường.

Dĩ nhiên, trong chuyện này, không có lửa thì sao có khói, và đã tại anh thì cũng tại ả chứ không chỉ riêng ai. Phạm Minh Đức là một HLV trẻ, đang từng bước chứng minh được năng lực của mình qua các giải đấu hạng thấp và tuổi U. Nhưng ông Đức cũng sớm sa vào căn bệnh “Mourinho hóa”, khi ông có nhiều câu chữ bị đánh giá là lộng ngôn.

Ngay trong cách khơi mào cuộc chiến với ông Tuấn Gia Lai cũng vậy. Khi tuyên bố U21 Việt Nam (thực chất là đội bóng của BTC giải U21 báo Thanh niên) không có điểm yếu và bắt chết Công Phượng là ông Tuấn hết bài…, ông Đức cũng xác định đó là “chiêu” để trấn áp đối phương ngay từ lúc trận đánh chưa bắt đầu.

Thực tế, ông Đức không chỉ đạo được quân của mình “khóa nòng” Công Phượng, mà còn để cầu thủ này “nổ” hẳn 2 phát pháo. Khi đội nhà bị đẩy vào thế ngặt nghèo phải đá luân lưu, ông Đức lại không có mặt mà ra sân bay về Hà Nội để giải quyết việc riêng.

HLV Phạm Minh Đức rời sân Thống Nhất khi các học trò vẫn đang thi đấu. Ảnh: Báo Bóng đá.

Đó cũng không phải là cách hành xử đúng mực ở một HLV đang tích lũy hành trang đi lên chuyên nghiệp. Và rất vô tình, sự vắng mặt của ông Đức trao cho ông Tuấn cơ hội “được ăn, được nói”, dẫn đến nói quá đà.

Những ai hiểu chuyện đều nhớ rằng ngay từ thời còn ở trên phố núi, hai vị HLV này đã có nhiều chuyện chẳng ưa nhau. Nó là một phần trong cái gọi là mâu thuẫn vùng miền, một thực tế không thể phủ nhận trong bóng đá Việt Nam.

Ngay sau khi những lời nhận xét nặng nề của HLV Quốc Tuấn tung lên các trang mạng, cựu cầu thủ Mạnh Dũng đã lên facebook chia sẻ quan điểm cá nhân. Anh nói: “Tuấn mát làm HLV thì đủ biết nền bóng đá Việt Nam thế nào rồi. Ngày Minh Đức còn đá bóng ở Gia Lai thì Tuấn mát chỉ đi bơm bóng…”.

Chuyện Dũng “Giáp” nói là sự thật. Chuyện Quốc Tuấn nói Minh Đức giá 500 đồng là sự thật. Nhưng chuyện Mạnh Dũng, Minh Đức, Hồng Việt… những cầu thủ Hà Nội vào đánh thuê không ​hòa nhập được với lối sống ở HAGL cũng là sự thật.

Có điều, đem những cái sự thật chẳng mấy hay ho đấy ra để bêu riếu nhau, đúng là văn hóa của nền bóng đá Việt Nam đáng báo động thật rồi…

Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.